(Bài viết với chủ ý bình luận và than vãn, không có mục đích chỉ trích và chê bai, vì tác giả hiểu rõ tình cảnh khó khăn của nước ta trước kia, và hiểu rõ nấu ăn cho nhiều người khó như thế nào)
Hẳn không phải chỉ có riêng tôi mà có khá nhiều người đã từng phải nếm trải cảnh ăn cơm bán trú; may mắn thì chỉ một vài ngày, còn rủi hơn thì là cả quãng đời học sinh. Tôi là dạng thứ hai. Ngày xưa nhà tôi xa trường, ba mẹ bận rộn cơm áo gạo tiền, nên bán trú dài hạn là một lựa chọn hoàn toàn hợp lý.
Cấp 1 #
Ngày đầu tiên vào lớp một, tôi đã tròn mắt chứng kiến cảnh món canh cải cho cả lớp được đựng trong một cái… xô nhôm, và cơm cũng không phải là ngoại lệ. Ngay sau đó lòng tôi bắt đầu chộn rộn không yên một cảm giác bất an khôn tả. Con nít mà, từ nhỏ giờ chỉ toàn thấy cơm canh đựng trong tô trong nồi đẹp đẽ chứ có bao giờ trong xô đâu. Khi con nít nhìn thấy xô thì thường trong đó chứa nước lau nhà hoặc nước rửa chén chứ đâu phải là thứ nó sắp ăn.
![](/vi/posts/com-trua-truong-hoc/xo-nhom_hufe0f4c0c8095dd93d15e8005051dcdb0_113982_660x0_resize_q75_box.jpg)
Thế rồi qua năm lớp một, cảm giác đó cũng nguôi ngoai phần nào. Nguôi ngoai là do “Ở lâu trong cái khổ, Mị quen khổ rồi”, chứ chất lượng cơm cũng vậy vậy mà thôi. Cơm khô và đôi khi còn sống. Canh thì có vẻ như được đổ nước vào hơi quá tay, và quá tay một cách thường xuyên. Tệ hơn là khi ăn canh khoai mỡ với sự quá tay đó… Món mặn mà tôi sợ nhất thời đó là thịt kho. Vì nó khô xơ xác và cứng. Nhai cứ như đang nhai một miếng gỗ mềm vậy. Và món tôi thích nhất? Trứng!!! Vâng, vì đó luôn được coi là món khó làm dở nhất. Trứng chiên là đã quá ngon. Trứng hấp với một chút thịt băm làm chả là đại tiệc cho bữa trưa đó.
Khổ nỗi lên đến lớp 4, lớp tôi lại bị rơi vào tay một thầy chủ nhiệm khá có trách nhiệm và quan tâm lo lắng cho học sinh MỘT CÁCH THÁI QUÁ KHÔNG CẦN THIẾT. Và một trong những quyết định kinh khủng của thầy đó là bắt buộc học sinh PHẢI ĂN CƠM THÊM!!! Ai không ăn thêm ít nhất một giá cơm (giá khi đó to đùng hà) thì sẽ bị đứng ngoài hành lang khỏi ngủ trưa. Từ đó, đời học sinh đã khổ nay còn tồi tệ hơn. Những bữa được món trứng thì chỉ dám xắn một tẹo cỡ nửa muỗng cafe để ăn với một muỗng lớn cơm, nếu không làm vậy thì tới đợt cơm thêm thì sẽ bị ăn không! Hoặc ăn với canh… cũng bằng chế nước lã vào ăn chung. Còn những bữa có thịt kho thì thôi… không nên tưởng nhớ thêm nữa.
Dù biết là hồi đó dân mình còn nghèo khó, khối người còn không có cái mà ăn, vậy mà tôi vẫn không nén nổi than vãn. Ai bảo có mẹ nấu ăn ngon làm gì…
Cấp 2 #
Thế rồi lên cấp hai, tôi mừng khôn xiết. Trường có bếp riêng, nấu ăn cực kỳ ngon, không thua gì mẹ cả. Mỗi bữa trưa tôi đều háo hức muốn biết hôm nay ăn món gì. Món nào nấu cũng ngon và chất lượng cả. Đúng là trường quận 1 có khác. Có thể bây giờ nếu tôi ăn những món ở đó, tôi sẽ thấy bình thường. Nhưng hãy tưởng tượng đối với một đứa học sinh đã ăn những bữa trưa “không được ngon lắm” trong suốt 5 năm ròng thì sẽ như thế nào. Nhưng mỗi tội bữa sáng của tôi không phải do trường nấu mà do canteen đảm trách. 5 nghìn một tô hủ tíu thịt heo, phải chen chúc ghê gớm lắm mới mua được 1 tô đấy! Ăn cũng tạm được, nhưng khổ nỗi canteen làm như chuộng chanh và nước mắm hay sao nên trên bàn chỉ có mỗi 2 loại gia vị đó. Tôi đâu còn lựa chọn nào khác?
Cấp 3 #
Thời huy hoàng kéo dài được không bao lâu thì vào cấp 3. Và tôi biết mùi thức ăn công nghiệp. Vẫn là món thịt kho, chưa bao giờ họ làm được mềm mướt như mẹ làm. Nhưng đỡ khô xơ hơn thời cấp 1. Ám ảnh vẫn còn lơ lửng đó thì một ám ảnh khác lại xuất hiện: gà kho gừng. Có lẽ thời đó gà và gừng khá rẻ, nên đây là món ưa thích của nhà cung cấp thức ăn cho trường. Mỗi tuần đều có gà kho gừng là chuyện bình thường. Thỉnh thoảng hết món, cũng có thể chêm gà kho gừng vào thành 3 bữa/tuần.
![](/vi/posts/com-trua-truong-hoc/ga-kho-gung_huf2680d8072049610381d54e570aa327e_64724_660x0_resize_q75_box.jpg)
Tôi đâm ra sợ món gà kho gừng kể từ đó. Rất sợ. Sợ lắm! Mỗi lần biết hôm sau có gà kho gừng, là tôi khẩn thiết xin cô bảo mẫu đổi cho món trứng ốp la chiên. Những đứa bạn chung quanh cũng hùa theo. Tôi hiểu mà. Bữa nào mà quên dặn hoặc không biết trước, là bữa đó tôi trốn. Mà cái thằng tôi sợ cái gì là nhớ dai và cảnh giác lắm. Nên không cần ló mặt lên nhà ăn, chỉ cần ngửi mùi từ xa là tôi biết, lẻn ngay vào canteen mất. Thà ăn mì gói sống ở canteen còn hơn.
Hệ quả #
Kể từ khi tốt nghệp cấp 3 cho đến giờ, tức là không còn phải NGỬI THẤY MÙI gà kho gừng nữa. Thì mãi cho đến 2 tuần trước đây thôi, tôi mới bắt đầu ăn lại được món gà kho gừng mẹ làm. Bạn tôi cứ tiếc mãi cho tôi, vì món gà kho gừng rất ngon, mà tôi lại sợ mất 3 năm ròng. Đó là một trong những hệ quả mà thức ăn bán trú gây ra cho khẩu vị non nớt của tôi.
Còn món hủ tíu mà canteen nấu ở cấp 2 đã khiến cho tôi BỊ chuộng vị chua và cay. Nhớ không? Họ chỉ cho nêm nước mắm và chanh!
Cuối cùng là thức ăn bán trú cấp 1. Từ khi học cấp 1 ra, tôi trở thành một đứa dễ ăn hẳn. Không cần ngon lành xuất sắc gì, chỉ cần một miếng ăn bình thường là tôi cũng cảm thấy ngon rồi. Tôi đâm ra dễ tính hơn hẳn, ăn gì cũng thấy ổn, không dám chê bai này nọ. Cái tật ăn nhiều cơm hơn đồ ăn cũng hình thành từ đó. Ai từng đi ăn nhiều lần với tôi thì rõ. Cơm luôn hết trước đồ ăn. Một món beefsteak luôn kèm theo hai ổ bánh mì chứ không phải một như người khác. Người ta bảo tôi ăn nhiều tinh bột nên béo. Nào có biết được có phải tôi muốn thế đâu?
Vậy đó. Cái gì cũng có gốc có gác của nó. Cho nên cái quyết định mà tôi muốn viết và bình luận về ẩm thực nên đáng được trân trọng và được coi là một nỗ lực trong suốt thời gian qua để tái tạo lại một khẩu vị bình thường, chưa nói đến việc cần phải nâng cao chuẩn mực cần thiết.