Hôm nay là ngày đưa ông Táo về trời. Làm mình nhớ tới bài viết trước kia cho 1 tạp chí cách đây gần đúng 10 năm:
01 Feb 2013
Thế gian một vợ một chồng – Nào như Vua Bếp hai ông một bà?
Ngay từ xưa, việc một ông sống chung với hai bà đã sinh lắm chuyện gian nan đau khổ. Ấy vậy mà cho đến tận ngày nay, trong bếp mỗi nhà đều có hai ông sống cùng một bà thật đẹp. Hình tượng Táo Quân là đó, tréo ngoe với nhân thế lẽ đời từ ngàn năm qua, khiến không ít người thắc mắc tại sao. Nhưng không nhiều người nghĩ đến những gì Táo đã làm cho đời.
Từ lúc còn sống #
Tích thường kể lại rằng vợ chồng Trọng Cao và Thị Nhi lấy nhau đã lâu mà không con, nên sinh buồn phiền mà hay cự cãi. Một hôm, Trọng Cao giận quá, đánh vợ. Thị Nhi đau buồn bỏ nhà ra đi, sau đó gặp và bằng lòng làm vợ Phạm Lang. Khi Trọng Cao nguôi giận, nghĩ lại biết mình có lỗi nên ra đi tìm vợ. Khi tiền bạc đem theo đều tiêu hết, Trọng Cao đành phải đi ăn xin. Khi Trọng Cao đến ăn xin nhà Thị Nhi, thì hai bên nhận ra nhau. Thị Nhi rước Trọng Cao vào nhà, hai người kể chuyện và Thị Nhi tỏ lòng ân hận vì đã trót lấy Phạm Lang làm chồng.
Phạm Lang trở về nhà, sợ chồng bắt gặp Trọng Cao nơi đây thì khó giải thích, nên Thị Nhi bảo Trọng Cao ẩn vào đống rơm ngoài vườn. Phạm Lang về nhà liền ra đốt đống rơm để lấy tro bón ruộng. Trọng Cao vì mệt, ngủ quên mà bị chết thiêu. Thị Nhi trong nhà chạy ra thấy Trọng Cao đã chết bởi sự sắp đặt của mình nên nhào vào đống rơm đang cháy để chết theo. Phạm Lang gặp tình cảnh, cảm động nghĩa tình của vợ, cũng nhảy vào lửa để chết theo vợ. Linh hồn của họ được đưa lên trời. Ngọc Hoàng thấy ba người đều có nghĩa, nên sắc phong cho làm Táo Quân, người trông coi việc nhà, người coi việc bếp núc, và người lo chuyện chợ búa.
Qua sự tích, người xưa đã đề cao đức hy sinh. Trọng Cao hy sinh để tìm lại vợ, Thị Nhi hy sinh vì nghĩa với chồng, và Phạm Lang vì tình với vợ. Họ đã hy sinh nhưng không mất hết, mà lại được hết. Đức hy sinh sẽ luôn được đền bù, thưởng công xứng đáng.
Và sau khi từ giã cõi đời, ba người họ lại cùng nhau hy sinh cho nhân thế. Một cách âm thầm lặng lẽ.
Đến sau khi hóa thân #
Nếu đất có thổ công, hay sông có hà bá thì đến nhà lá cũng phải có Táo Quân. Cũng là Thần, nhưng không có đình miễu hay đền thờ nào được lập lên cho Táo Quân như những Thần linh khác. Hai ông một bà, chỉ khiêm tốn ngự tại một góc bếp mỗi ngôi gia. Và ở cái nơi nóng bức chật chội đó, nơi thậm chí còn ám đen bồ hóng và nồng nặc mùi mắm mùi khô, họ cùng nhau cần mẫn làm tròn chức vụ thiêng liêng mà Ngọc Hoàng đã ban: Định Phúc Táo Quân.
Nếu Bồ tát từ bi phù hộ hết thảy chúng sanh, thì chính Táo Quân là người gần gũi nhất, coi sóc và “định phúc” cho mỗi gia đình. Táo Quân được xem là người trực tiếp quyết định phần phước mà gia đình được hưởng, qua những việc làm tốt - xấu trong năm. Nhưng Táo Quân không chỉ ghi chép tội phước một cách trắng đen rạch ròi, các ngài còn bào chữa, thuyết phục Ngọc Hoàng giúp cho gia chủ. Việc tốt thì thưởng phước nhiều hơn, việc làm xấu thì khoan hẵng phạt, mà để từ từ sang năm sửa đổi. Tuy là vậy, nhưng Táo Quân thường không được thờ cúng long trọng, hay lễ vật ngời ngời. Chỉ đến khi cuối năm, khi mọi chuyện tốt xấu đã xong, phải quấy đã rồi, thì gia chủ mới chộn rộn “hối lộ” hay “bịt miệng” Táo bằng những món ăn ngọt ngào, hòng mong Táo bẩm tốt với Ngọc Hoàng.
Nếu bỏ qua chuyện phước đức lớn lao mà nói chuyện gần gũi thường nhật, Táo Quân còn hóa ba ông đầu rau trong gian bếp truyền thống của người Việt. Ba ngài chụm lại, hằng ngày chịu cái nóng thiêu người để mọi thành viên trong nhà có được bữa ăn ngon, hay tô cháo lúc ốm đau. Họ cũng như lửa, xuất hiện trong thoáng chốc để phục vụ rồi lại tan biến đi, không để lại gì, không cần đáp lại. Hy sinh, vô vị lợi, vì con người.
Cứ vậy qua hàng nghìn năm, căn nhà của họ vẫn là gian bếp thấp bé, tuy không nguy nga tráng lệ như đình chùa, nhưng luôn là phần tất yếu của mỗi ngôi nhà, là biểu tượng no ấm hạnh phúc của mỗi gia đình. Bếp còn đỏ lửa, ba ngài còn chịu hy sinh, thì người ta biết ngôi nhà vẫn còn là một tổ ấm.